Soạn Chí Phèo – Văn 11 Kết nối tri thức
- 1Câu hỏi được soạn bám sát theo chủ đề học, bài thi
- 2Hiển thị kết quả và giải thích ngay sau khi hoàn thành câu hỏi
- 3Nhận điểm sau khi kết thúc toàn bộ bài trắc nghiệm.
- 4Biết điểm yếu và có hướng giải pháp cải thiện
* Trước khi đọc
Câu hỏi 1 (trang 23 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Thế nào là định kiến xã hội. Các định kiến xã hội có thể ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng như thế nào?
– Định kiến xã hội là những thái độ đánh giá một chiều và thường mang tính tiêu cực đối với cá nhân hoặc nhóm người dựa trên sự khác biệt xã hội. Đây là một hình thức phân biệt đối xử, bao gồm hai yếu tố chính là nhận thức và hành vi.
– Ảnh hưởng của định kiến xã hội:
+ Đối với cá nhân: Định kiến xã hội có thể thay đổi cuộc sống, số phận của một con người, thậm chí đẩy họ vào đường cùng, mất đi cơ hội phát triển và bị xa lánh.
+ Đối với cộng đồng: Định kiến tạo ra một lối sống kém văn minh, kéo lùi sự tiến bộ trong tư duy và cách sống, làm cho cộng đồng trở nên thiếu sự đoàn kết và phát triển không bền vững.
Câu hỏi 2 (trang 23 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Có thể bạn đã từng nghe thấy người ta gọi tính cách hay cách ứng xử của một ai đó là “Chí Phèo”. Cách gọi ấy đã hàm ẩn sự đánh giá như thế nào đối với tính cách hay cách ứng xử này?
Cách gọi “Chí Phèo” hàm ý đánh giá một người có tính cách hoặc cách ứng xử tiêu cực, thường là người hay say rượu, chửi bới vô cớ và cố tình gây rối, ăn vạ để đạt được mục đích cá nhân. Cách gọi này phản ánh sự phê phán về lối sống bất cần, phá phách, thiếu đạo đức và tự trọng, tương tự như nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của Nam Cao.
* Đọc văn bản
Gợi ý trả lời câu hỏi trong bài đọc
1. Chú ý sự luân phiên của các điểm nhìn (điểm nhìn của người kể chuyện và nhân vật, điểm nhìn bên ngoài và bên trong)
Đoạn văn có sự thay đổi linh hoạt về điểm nhìn:
– Điểm nhìn của người kể chuyện:
+ Hắn vừa đi vừa chửi … cả làng Vũ Đại
+ Không ai lên tiếng cả … không ai biết …
– Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại: Chắc nó trừ mình ra
– Điểm nhìn bên ngoài:
+ Hắn vừa đi vừa chửi … Không ai lên tiếng cả
+ Đã thế, hắn … không ai ra điều
+ Phải đấy … không ai biết.
– Điểm nhìn bên trong:
+ Tức thật … Tức chết đi được mất
+ Mẹ kiếp … nông nỗi này.
2. Vì sao Chí Phèo lại khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về làng?
– Chí Phèo khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi trở về từ nhà tù vì:
+ Hình dáng của hắn trông đáng sợ như “thằng săng đá.”
+ Ngoại hình gớm ghiếc: đầu trọc lốc, răng cạo trắng, khuôn mặt đen xám với ánh mắt gườm gườm.
+ Hắn để ngực trần, trên đó đầy những hình xăm rồng, phượng và một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng xăm kín hình tương tự.
3. Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình?
Người kể chuyện không hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà Bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình. Bên cạnh điểm nhìn của người kể chuyện, còn có sự xuất hiện của điểm nhìn nhân vật, cụ thể là suy nghĩ của Chí Phèo: “Ôi! Cái gì thế này?”. Điều này cho thấy sự linh hoạt trong việc chuyển đổi điểm nhìn giữa người kể chuyện và nhân vật, giúp khắc họa rõ hơn tâm lý của Chí Phèo trong tình huống này
4. Chú ý những chi tiết miêu tả cách “ứng phó” của bá Kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình
Chi tiết miêu tả cách Bá Kiến ứng phó:
– Với Chí Phèo:
+ Bá Kiến tỏ ra thân thiện, hỏi thăm: “Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế? Về bao giờ thế?”
+ Mời Chí Phèo vào nhà uống nước: “Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.”
– Với người nhà:
+ Bá Kiến quát mấy bà vợ: “Các bà đi vào trong nhà; đàn bà chỉ biết lôi thôi, biết gì?”
+ Nháy mắt và quát con: “Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước mau lên.”
Cách ứng xử của Bá Kiến thể hiện sự khôn ngoan, mềm mỏng với Chí Phèo nhưng lại cứng rắn, nghiêm khắc với người nhà, nhằm kiểm soát tình hình một cách khéo léo
5. Những cảm giác, ấn tượng gì đánh dấu thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo?
Sự thay đổi trong con người Chí Phèo bắt đầu khi hắn mở mắt và nhận ra trời đã sáng lâu, mặt trời đã lên cao và ánh nắng rực rỡ bên ngoài. Hắn nghe thấy tiếng chim ríu rít và cảm thấy bâng khuâng như vừa tỉnh dậy sau một cơn say dài. Trong lòng hắn tràn ngập một nỗi buồn mơ hồ, thậm chí còn hơi rùng mình vì sợ rượu. Hắn nhận ra tiếng chim hót vui vẻ và tiếng người đi chợ, những âm thanh bình dị nhưng lại khiến hắn có một sự thay đổi sâu sắc từ bên trong.
6. Điều gì ám ảnh Chí Phèo nhất khi nghĩ về cuộc đời của mình?
Điều khiến Chí Phèo ám ảnh nhất khi nghĩ về cuộc đời là sự cô độc. Hắn nhận ra, ở tuổi hơn 40, khi lẽ ra phải có một gia đình ấm cúng, con cái quây quần, thì hắn vẫn sống một mình, lẻ loi. Nỗi cô độc ấy còn khiến hắn sợ hãi hơn cả những cơn đau ốm, bệnh tật, bởi nó gặm nhấm và dày vò hắn từ bên trong.
7. Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua ý nghĩ và hành động nào?
Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua những ý nghĩ và hành động sau:
– Thị cảm thấy Chí Phèo tuy liều lĩnh nhưng cũng đáng thương, đặc biệt khi hắn đang đau ốm và nằm một mình trong tình trạng khốn khổ.
– Thị nghĩ rằng nếu không có thị giúp đỡ đêm qua, có lẽ Chí Phèo đã chết.
– Thị bắt đầu có cảm giác yêu thương hắn, đó là tình yêu của một người làm ơn và cũng của một người chịu ơn.
– Thị suy nghĩ rằng nếu bỏ Chí Phèo vào lúc này thì quá tàn nhẫn, bởi dù sao họ cũng đã có thời gian sống chung như vợ chồng.
– Thị quyết định nấu cháo hành cho Chí Phèo, thể hiện sự quan tâm và lòng trắc ẩn của thị đối với hắn trong hoàn cảnh khó khăn.
8. Người kể chuyện đặt điểm nhìn ở đâu khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bát cháo hành của thị Nở?
Người kể chuyện đặt điểm nhìn từ bên trong nhân vật khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc nhận bát cháo hành từ thị Nở. Cụ thể, những cảm xúc này bao gồm:
– Chí Phèo cảm thấy ngạc nhiên và bâng khuâng trước hành động của thị.
– Hắn có cảm giác vừa vui vừa buồn, đồng thời xuất hiện cảm giác ăn năn.
– Hắn nhận ra rằng có những người cả đời không ăn cháo hành, nên không biết rằng cháo hành rất ngon.
=> Những cảm xúc và suy nghĩ này giúp miêu tả rõ ràng tâm trạng nội tâm của Chí Phèo, khi lần đầu tiên hắn cảm nhận được sự quan tâm và tình người, điều mà hắn chưa từng có trong suốt cuộc đời đầy bi kịch của mình.
9. Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ như thế nào đối với Chí Phèo?
Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ cảm thông và thương xót đối với Chí Phèo. Người kể chuyện không chỉ miêu tả cuộc đời bi thảm của Chí, mà còn bộc lộ sự thấu hiểu trước nỗi đau và sự tha hóa của hắn. Qua đó, tác giả Nam Cao lên án xã hội tàn bạo đã đẩy Chí Phèo vào con đường tha hóa, đồng thời thể hiện niềm tin vào bản chất lương thiện của con người, ngay cả trong những con người tưởng chừng đã hoàn toàn bị tha hóa.
10. Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo có thỏa đáng không?
Lí do bà cô của thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo xuất phát từ những định kiến xã hội và cảm xúc cá nhân:
– Bà cảm thấy nhục nhã cho gia đình và tổ tiên.
– Bà uất ức, chua xót và trút sự bực dọc lên cháu mình.
– Bà coi cháu mình là “đĩ” vì quyết định này.
– Bà cũng thấy không ai ngoài ba mươi lại còn đi lấy chồng.
– Quan trọng nhất, bà không chấp nhận việc cháu lấy một người như Chí Phèo – một kẻ “rạch mặt ăn vạ”.
=> Những lí do này không thỏa đáng vì chúng đều xuất phát từ định kiến xã hội khắc nghiệt, thay vì dựa trên tình cảm và hạnh phúc thực sự của cháu mình.
11. Tại sao tâm trí của Chí Phèo lúc này lại bị ám ảnh bởi hơi cháo hành?
Tâm trí của Chí Phèo lúc này bị ám ảnh bởi hơi cháo hành vì đó là biểu tượng của tình thương mà thị Nở đã dành cho hắn. Khi thị Nở nghe lời bà cô và từ chối Chí, hắn cảm thấy vô cùng đau khổ. Chí Phèo đang trên con đường hoàn lương nhưng lại bị đẩy xuống hố sâu của sự tuyệt vọng. Hắn vừa nhớ thị, vừa hận thị vì sự từ chối ấy. Hơi cháo hành gợi lên cho hắn nỗi nhớ về sự quan tâm hiếm hoi mà hắn từng nhận được, càng làm cho hắn thêm đau đớn và lạc lối.
12. Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến có phải hoàn toàn do hắn đã say như nhận xét trước đó của người kể chuyện không?
Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến không hoàn toàn là do hắn say, như nhận xét ban đầu của người kể chuyện. Thực ra, Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến vì trong thâm tâm hắn nhận ra rằng Bá Kiến chính là người đã đẩy hắn vào con đường tội lỗi. Bá Kiến đã khiến Chí Phèo từ một người nông dân lương thiện trở thành một con “quỷ dữ” của làng Vũ Đại. Sự tha hóa này đã gián tiếp dẫn đến việc thị Nở từ chối Chí, khiến hắn rơi vào tuyệt vọng và tìm đến nhà bá Kiến với ý định kết thúc tất cả.
13. Đây có phải là những lời của một kẻ say không?
– “Tao không đến xin năm hào.”
– “Tao đã bảo tao không đòi tiền.”
– “Tao muốn làm người lương thiện.”
– “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để xóa được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ có một cách… chỉ còn một cách là… cái này! Biết không!”
=> Đây là những lời bộc lộ nỗi đau và tuyệt vọng của Chí Phèo, thể hiện khát khao được làm người lương thiện, nhưng đồng thời cũng nhận ra rằng con đường đó đã bị xã hội chặn đứng. Do đó, đây không phải là lời của một kẻ say, mà là tiếng kêu cứu của một con người đã mất đi hy vọng.
14. Người kể chuyện có đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại không?
Người kể chuyện không trực tiếp đưa ra lời bình luận hay đánh giá về sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại. Thay vào đó, người kể để cho các sự kiện và hành động của nhân vật tự bộc lộ ý nghĩa, qua đó người đọc tự cảm nhận và đánh giá về bi kịch của Chí Phèo cũng như sự tàn bạo của xã hội đương thời.
15. Ý nghĩa của hình ảnh cái lò gạch cũ là gì?
– Tả thực: Cái lò gạch cũ là nơi Chí Phèo bị mẹ ruột bỏ rơi khi mới sinh ra, một chiếc lò nung gạch đã bị bỏ hoang vì không còn sử dụng được.
– Biểu tượng:
+ Gợi ra vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo và những con người khốn khổ bị áp bức, chà đạp, tước đoạt quyền sống và hạnh phúc.
+ Bi kịch của Chí Phèo không chỉ là bi kịch cá nhân mà còn là một hiện tượng phổ biến, phản ánh quy luật xã hội bất công trong thời kỳ đó.
* Sau khi đọc
Nội dung chính: Văn bản kể về cuộc đời của nhân vật Chí Phèo. Qua số phận bi thảm của Chí Phèo, Nam Cao lên án sâu sắc xã hội tàn bạo chà đạp nhân phẩm con người, vạch ra mối mâu thuẫn gay gắt không thể điều hòa ở nông thôn Việt Nam đương thời và tình trạng tha hóa phổ biến trong xã hội. Đồng thời Nam Cao thể hiện tư tưởng nhân đạo tốt đẹp, niềm tin vào bản chất lương thiện của con người.
Câu 1 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Tóm tắt cốt truyện Chí Phèo theo trình tự thời gian cuộc đời nhân vật. Hãy đánh giá hiệu quả của việc phá vỡ trình tự này trong mạch trần thuật của tác phẩm
– Tóm tắt cốt truyện: Chí Phèo là đứa trẻ bị bỏ rơi, được người dân làng Vũ Đại cưu mang. Lớn lên, hắn làm thuê cho nhà bá Kiến. Vì ghen tuông, bá Kiến vu oan và đẩy Chí Phèo vào tù. Sau khi ra tù, Chí Phèo trở về làng, biến thành con quỷ của làng Vũ Đại, chuyên ăn vạ. Hắn tìm đến bá Kiến, nhưng bá Kiến xoa dịu và biến hắn thành tay sai. Sau đó, Chí Phèo gặp và yêu thị Nở, mở ra con đường hoàn lương. Tuy nhiên, bà cô của thị Nở ngăn cản, khiến thị từ chối Chí, dập tắt hy vọng làm người lương thiện của hắn. Trong tuyệt vọng, Chí Phèo giết bá Kiến và tự kết liễu đời mình. Kết thúc câu chuyện, hình ảnh cái lò gạch cũ – nơi Chí Phèo bị bỏ rơi từ khi còn bé – được nhắc lại.
– Đánh giá hiệu quả việc phá vỡ trình tự: Việc phá vỡ trình tự thời gian giúp nhấn mạnh hai giai đoạn chính trong cuộc đời Chí Phèo: sự tha hóa thành “con quỷ” của làng Vũ Đại và quá trình khao khát hoàn lương. Cách trần thuật này giúp khắc họa sâu sắc bi kịch cuộc đời Chí, đồng thời làm nổi bật tư tưởng nhân đạo của tác giả Nam Cao, khẳng định rằng dù tha hóa đến đâu, con người vẫn có khát vọng lương thiện và xứng đáng được sống với nhân phẩm của mình.
Câu 2 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Phân loại điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu theo các bình diện: điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật (Chí Phèo, dân làng Vũ Đại); điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong. Nhận xét về tương quan và sự dịch chuyển giữa các điểm nhìn này, qua đó, chỉ ra những nét đặc sắc trong cách Nam Cao mở đầu câu chuyện.
* Phân loại điểm nhìn trần thuật:
– Điểm nhìn của người kể chuyện:
+ “Hắn vừa đi vừa chửi… cả làng Vũ Đại.”
+ “Không ai lên tiếng cả… không ai biết…”
– Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại:
+ “Chắc nó trừ mình ra.”
– Điểm nhìn bên ngoài:
+ “Hắn vừa đi vừa chửi… không ai lên tiếng cả.”
+ “Đã thế, hắn… không ai ra điều.”
+ “Phải đấy… không ai biết.”
– Điểm nhìn bên trong:
+ “Tức thật… Tức chết đi được mất.”
+ “Mẹ kiếp… nông nỗi này.”
– Nhận xét: Điểm nhìn trong đoạn văn được nhà văn Nam Cao sử dụng linh hoạt, có sự chuyển đổi liên tục giữa điểm nhìn của người kể chuyện và nhân vật. Những điểm nhìn này bổ sung lẫn nhau, tạo nên sự đa chiều, giúp người đọc hiểu rõ hơn về khung cảnh làng Vũ Đại và tâm trạng của Chí Phèo thông qua tiếng chửi của hắn.
– Cách mở đầu truyện ngắn: Nam Cao mở đầu tác phẩm bằng cách giới thiệu trực tiếp nhân vật Chí Phèo, không theo trình tự thời gian thông thường mà đi thẳng vào sự kiện giữa câu chuyện. Đây là một cách mở đầu độc đáo, ấn tượng, thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ những dòng đầu tiên.
Câu 3 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước. Theo bạn, nhân tố nào quyết định đối với quá trình hồi sinh nhân tính của nhân vật? Vì sao?
– Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo:
+ Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, Chí Phèo trải qua một sự thức tỉnh tâm hồn. Buổi sáng hôm sau, hắn không còn say, cảm nhận được không khí trong lành và sự tĩnh lặng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, hắn cảm thấy cô độc và khao khát làm người lương thiện.
+ Hắn bắt đầu nhận thức về bi kịch cuộc đời mình, nhớ về quá khứ và những ước mơ bình dị, thèm muốn được sống như một con người đúng nghĩa. Tâm trạng Chí chuyển từ sự u mê, chai sạn sang một sự thức tỉnh mạnh mẽ về nhân tính, về khát vọng trở lại làm người.
– Nhân tố quyết định quá trình hồi sinh nhân tính:
+ Nhân tố quyết định quá trình này chính là tình thương mộc mạc và chân thành của Thị Nở. Sự quan tâm của Thị, thể hiện qua bát cháo hành đơn giản nhưng chứa đựng tình cảm, đã chạm đến phần lương thiện còn sót lại trong Chí.
+ Thị Nở, đại diện cho một thứ tình yêu bản năng, thuần khiết, đã mở ra cơ hội cho Chí tìm lại bản chất con người, giúp hắn lần đầu sau nhiều năm thấy mình có thể được yêu thương và tha thứ. Đây là bước ngoặt để Chí khao khát thay đổi và hòa nhập với cuộc sống.
– Nhận xét: Nam Cao đã thể hiện một cách tài tình quá trình biến đổi trong tâm trạng và ý thức của Chí Phèo, từ một kẻ lưu manh mất nhân tính đến một con người khao khát trở lại làm người. Tình yêu và sự quan tâm của Thị Nở đã là chìa khóa, giúp Chí thức tỉnh và mong muốn một sự hồi sinh.
Câu 4 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Phân tích phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống. Người kể chuyện có đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật không?
*Phản ứng tâm lý và hành động của Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối:
– Khi tình yêu bị ngăn cản bởi bà cô của Thị Nở, Chí Phèo rơi vào trạng thái thất vọng và đau đớn sâu sắc. Thị Nở từ chối tiếp tục chung sống, khiến Chí nhận ra sự thật cay đắng về hoàn cảnh của mình:
+ Tâm lý: Chí “ngẩn người”, “ngẩng mặt” – biểu hiện của sự ngỡ ngàng và nhận thức được tình cảnh bất hạnh của bản thân, tạo cảm giác đáng thương.
+ Hồi tưởng: Khi thoáng thấy hương cháo hành, Chí nhớ lại những khoảnh khắc tình yêu ngắn ngủi mà hắn đã có với Thị Nở, biểu thị khát khao níu kéo hạnh phúc.
+ Hành động: Chí nắm lấy tay Thị, thể hiện mong muốn giữ lại chút hy vọng cuối cùng cho tình yêu và cuộc sống lương thiện.
+ Sau đó, Chí Phèo quay về uống rượu nhưng lần này hắn “ôm mặt khóc rưng rức”, biểu lộ sự tuyệt vọng tột cùng khi mọi hy vọng về việc trở lại làm người lương thiện đã hoàn toàn sụp đổ.
– Tâm lý phẫn uất và quyết định:
+ Khi bị từ chối, nỗi đau của Chí dần chuyển thành sự phẫn uất. Khát khao trở lại làm người lương thiện không còn nữa, thay vào đó là cơn giận dữ và sự tuyệt vọng lên đến đỉnh điểm.
+ Chí Phèo ban đầu có ý định đến nhà Thị Nở để “đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”, thể hiện sự oán hận trước sự từ chối.
+ Tuy nhiên, cơn giận dữ này lại chuyển hướng khi Chí quyết định đến nhà Bá Kiến, người mà hắn đã nhận ra là kẻ thù thực sự gây nên bi kịch đời mình. Chí Phèo không đâm Thị Nở mà hướng sự phẫn uất vào Bá Kiến.
*Nhận xét về người kể chuyện: Tác giả Nam Cao không trực tiếp đưa ra những phán đoán rõ ràng về tâm lý hay hành động của Chí Phèo mà để những hành động và cảm xúc của nhân vật tự bộc lộ qua từng chi tiết. Người đọc được dẫn dắt tự khám phá sự phức tạp trong tâm lý của Chí, từ đó hiểu rõ hơn về nỗi đau và bi kịch của nhân vật.
Câu 5 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Người kể chuyện bộc lộ thái độ như thế nào đối với Chí Phèo và thị Nở qua hệ thống điểm nhìn và lời kể?
Thái độ của người kể chuyện đối với Chí Phèo và Thị Nở:
– Người kể chuyện bày tỏ niềm cảm thông đối với số phận của Chí Phèo, một con người bị xã hội đày đọa, nhục mạ, và cự tuyệt quyền được làm người lương thiện. Qua hệ thống điểm nhìn, Chí hiện lên như một nạn nhân đau khổ của xã hội tàn ác.
– Lời kể thể hiện sự phẫn uất trước tình cảnh của Chí Phèo, cất lên tiếng kêu cứu thay cho những người lao động lương thiện bị áp bức và chà đạp, qua đó vạch trần sự bất công.
– Người kể chuyện lên án gay gắt những thế lực tàn bạo, đại diện là Bá Kiến và xã hội phong kiến, đã đẩy Chí Phèo và những người nông dân lương thiện vào bi kịch.
– Dù Chí Phèo và Thị Nở bị xã hội ruồng bỏ, người kể chuyện vẫn nâng niu, trân trọng những nét đẹp tiềm ẩn trong con người họ, đặc biệt là niềm tin vào sự lương thiện còn sót lại trong Chí và tình thương chân thành của Thị Nở.
Câu 6 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Nhận xét về điểm nhìn và giọng điệu nhân vật trần thuật ở đoạn kết truyện ngắn khi Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến lần cuối và phản ứng của dân làng Vũ Đại về cái chết của hai nhân vật này. Theo bạn, cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa như thế nào?
– Điểm nhìn:Trong đoạn kết, có sự đan xen giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của dân làng Vũ Đại. Người kể chuyện đưa ra nhận xét về hành động của Chí Phèo, đồng thời tái hiện phản ứng của dân làng trước cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến.
– Giọng điệu: Giọng kể mang tính tự nhiên, sinh động, kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ đời sống và khẩu ngữ của người dân. Người kể chuyện sử dụng giọng văn đa thanh, vừa thể hiện tiếng nói của chính mình, vừa phản ánh giọng điệu của các nhân vật. Điều này tạo nên không khí gần gũi, chân thực và mang đậm hơi thở cuộc sống làng quê.
– Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo:
+ Hành động vùng lên: Cái chết của Chí Phèo thể hiện sự phản kháng của một người nông dân đã thức tỉnh về quyền sống. Dù mang tính chất manh động, liều lĩnh, và tuyệt vọng, nhưng hành động này không phải là của một kẻ lưu manh mà là tiếng kêu vùng dậy trước sự áp bức.
+ Lời tố cáo xã hội: Cái chết bi thảm của Chí Phèo tố cáo một xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo, đã đẩy người nông dân lương thiện vào con đường lưu manh hóa, bế tắc đến mức không thể quay trở lại cuộc sống lương thiện.
+ Xung đột giai cấp: Qua cái chết của Chí Phèo, Nam Cao thể hiện cái nhìn hiện thực sắc bén về sự xung đột giai cấp gay gắt ở nông thôn Việt Nam đương thời. Xung đột này không thể hòa giải một cách êm dịu, mà chỉ có thể được giải quyết bằng những hành động quyết liệt và đau đớn.
Câu 7 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): So sánh và nhận xét đoạn kết của hai truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và Vợ nhặt (Kim Lân)
– Đoạn kết của Vợ nhặt: Trong bữa cơm ngày đói, người vợ nhặt kể về việc phá kho thóc Nhật. Trong tâm trí anh Tràng, hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ hiện lên, gợi mở về tương lai và sự thay đổi.
– Đoạn kết của Chí Phèo: Cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến khép lại câu chuyện. Hình ảnh cái lò gạch cũ hiện lên trong suy nghĩ của Thị Nở với câu hỏi day dứt: “Nếu mình chửa, bây giờ hắn chết rồi thì làm thế nào?”, gợi ra một bi kịch mới.
*So sánh:
– Giống nhau:
+ Cả hai đoạn kết đều mở ra một cuộc đời mới cho các nhân vật.
+ Cả hai truyện ngắn đều thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc của các tác giả.
– Khác nhau:
+ Vợ nhặt: Đoạn kết mở ra một tương lai tươi sáng hơn với hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ, biểu trưng cho sự hy vọng và con đường cách mạng. Nhân vật Tràng đã bắt đầu nhận thức về trách nhiệm và hành động, hướng tới sự thay đổi.
+ Chí Phèo: Đoạn kết lại mở ra một bi kịch mới khi Thị Nở nghĩ đến viễn cảnh nếu mình có con với Chí Phèo. Điều này gợi lên sự luẩn quẩn của bi kịch, dù Chí Phèo đã chết, nhưng áp bức và bạo lực vẫn còn tồn tại, dẫn đến những số phận bất hạnh khác sẽ tiếp diễn.
Câu 8 (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Hệ thống hóa những nét đáng chú ý trong nghệ thuật kể chuyện của Nam Cao ở truyện ngắn này trên các phương diện: người kể chuyện, điểm nhìn và lời trần thuật
– Người kể chuyện: Nam Cao sử dụng người kể chuyện ngôi thứ ba toàn tri, cho phép nắm rõ và thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật một cách chi tiết và sâu sắc.
– Điểm nhìn: Điểm nhìn được thay đổi linh hoạt và luân phiên giữa các nhân vật, từ điểm nhìn của người kể chuyện, của Chí Phèo, Thị Nở đến dân làng Vũ Đại. Nam Cao sử dụng cả điểm nhìn bên ngoài (mô tả hành động) và điểm nhìn bên trong (diễn tả tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật) để tạo ra cái nhìn đa chiều và chân thực.
– Lời trần thuật: Lời kể linh hoạt, tự nhiên, đôi khi phóng túng nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ và nhất quán. Trình tự thời gian được đảo lộn, với những đoạn hồi tưởng và liên tưởng đan xen. Mạch truyện có lúc tưởng như lỏng lẻo nhưng thực chất rất hợp lý, tự nhiên và cuốn hút, tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc.
* Kết nối đọc – viết
Bài tập (trang 35 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về chi tiết bát cháo hành của thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo
Mẫu 1:
Chi tiết bát cháo hành của Thị Nở trong truyện Chí Phèo là một biểu tượng sâu sắc mang ý nghĩa nhân đạo trong tác phẩm của Nam Cao. Bát cháo hành tuy giản dị nhưng lại chứa đựng tình thương chân thành và sự quan tâm của Thị Nở dành cho Chí Phèo. Đây là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, Chí Phèo nhận được sự quan tâm từ một con người, điều mà xã hội tàn ác và những kẻ xung quanh hắn chưa bao giờ trao cho. Bát cháo hành đã đánh thức phần lương thiện còn sót lại trong con người hắn, khơi dậy khát vọng được sống như một người bình thường. Nó đại diện cho tình yêu, sự cứu rỗi, và niềm hy vọng mỏng manh về khả năng thay đổi số phận. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi Thị Nở từ chối Chí Phèo, khiến hắn tuyệt vọng và rơi vào con đường không lối thoát. Chi tiết bát cháo hành là điểm sáng trong một câu chuyện bi thảm, khẳng định niềm tin của Nam Cao vào bản chất lương thiện của con người dù bị xã hội chà đạp
Mẫu 2:
“Chi tiết là bụi vàng của tác phẩm”. Một chi tiết nghệ thuật quý giá có thể gói gọn tinh thần của tác phẩm. Với “Chí Phèo” của Nam Cao, chi tiết bát cháo hành chính là chi tiết đặc sắc như vậy. Bát cháo hành được nấu bởi bàn tay và tình yêu thương của Thị Nở. Nó đại diện cho sự cảm thông, quan tâm, đùm bọc rất chân thành, vô tư mà Thị Nở dành cho Chí Phèo. Sau một trận ốm, bát cháo hành đến với Chí tựa như liều thuốc tiên. Nó không chỉ giải cảm mà còn đánh thức biết bao khát vọng hạnh phúc, bình yên, lương thiện trong tâm hồn hắn. Nhờ có bát cháo hành mà Chí Phèo cảm nhận được rằng trên đời vẫn có người “cho” hắn, quan tâm đến hắn. Thế giới xung quanh đầy sức sống và tươi đẹp đến vậy, sao giờ Chí mới nhận ra? Không chỉ khiến Chí Phèo cảm thấy hạnh phúc, bát cháo hành còn khiến hắn biết hối hận vì những đau thương mà mình đã gây ra. Kết truyện, Chí Phèo không thể quay lại con đường lương thiện và tự kết liễu mình một cách bi thảm. Tuy nhiên, chi tiết bát cháo hành xuất hiện không hề vô nghĩa khi nó đã khơi dậy trong con người niềm khao khát sống đúng đắn, trong sạch, đầy tình yêu thương.
Mẫu 3:
Bát cháo hành là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm Chí Phèo góp phần thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm. Bát cháo ấy không những giúp Chí thoát khỏi trận ốm “thừa sống thiếu chết” mà hơn hết, nó là liều thuốc khai sáng cho quãng đời tội lỗi của Chí Phèo. Có thể nói, bát cháo hành ấy giống như một liều thuốc thần kỳ giải rượu cho Chí sau một cơn say dài dằng dặc. Cả một cuộc đời hơn bốn mươi năm, lần đầu tiên Chí được ăn cháo hành, lần đầu tiên được người khác cho một thứ. Chí sung sướng hạnh phúc khi cảm nhận được vị ngọt của tình yêu qua bát cháo hành của Thị. Vì vậy, bát cháo hành của Thị chất chứa tình yêu thương chân thành đã biến Chí từ một thằng lưu manh chuyên rạch mặt ăn vạ thành một anh nông dân lương thiện với biết bao cảm xúc, nghĩ suy của một con người khát khao được trở về với xã hội loài người. Bát cháo đầy tình yêu thương của Thị đã giúp Chí rũ bỏ lốt quỷ để trở lại làm người.
Mẫu 4:
Hình ảnh bát cháo hành là một trong những chi tiết đắt giá nhất của tác phẩm Chí Phèo. Nó không chỉ là biểu hiện của sự quan tâm, chăm sóc của thị Nở dành cho Chí Phèo mà nó còn ẩn chứa tình yêu thương của thị dành cho hắn. Đó là hương vị của tình yêu, hạnh phúc muộn màng mà Chí Phèo hằng mơ ước mãi cho đến giờ mới được cảm nhận. Đồng thời, nó cũng khơi dậy niềm khao khát được quay trở lại cuộc sống bình thường, trở thành một người lương thiện. Không dừng lại ở đó, hình ảnh bát cháo hành góp phần khắc họa thành công tính cách của nhân vật, làm nổi bật nên tấn bi kịch của nhân vật Chí Phèo – người luôn cô độc, thiếu thốn tình yêu thương. Qua đó, tác giả muốn gửi gắm niềm tin vào sức mạnh tình cảm con người có thể cảm hóa, soi đường cho người lầm đường lạc lối tìm được ánh sáng.