Soạn Vợ Nhặt – Văn 11 Kết nối tri thức


  • 1Câu hỏi được soạn bám sát theo chủ đề học, bài thi
  • 2Hiển thị kết quả và giải thích ngay sau khi hoàn thành câu hỏi
  • 3Nhận điểm sau khi kết thúc toàn bộ bài trắc nghiệm.
  • 4Biết điểm yếu và có hướng giải pháp cải thiện

* Trước khi đọc

Câu 1: Bạn biết gì về nạn đói năm Ất Dậu (1945) xảy ra ở Việt Nam?

– Nạn đói năm Ất Dậu là một trong những nạn đói lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, xảy ra ở miền Bắc từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, khiến khoảng 400.000 đến 2 triệu người thiệt mạng.

– Nguyên nhân chính là do chính sách của thực dân Pháp, buộc nông dân phải nhổ lúa để trồng đay phục vụ cho chiến tranh, dẫn đến khan hiếm lương thực, góp phần gây ra nạn đói.

Câu 2: Theo bạn, có phải lúc nào nghịch cảnh trong đời sống (như nạn đói, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh,…) cũng chỉ đẩy con người vào tình thế bi quan, tuyệt vọng hay không? Vì sao?

Không phải lúc nào nghịch cảnh trong đời sống (như nạn đói, thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh,…) cũng chỉ đẩy con người vào tình thế bi quan, tuyệt vọng.Chính những nghịch cảnh ấy có thể trở thành động lực để con người nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục hướng tới những điều tốt đẹp và giữ vững niềm tin vào cuộc sống.

* Đọc văn bản

1. Khung cảnh ngày đói được gợi qua những hình ảnh và cảm giác nào?

– Hình ảnh:

+ Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, nằm ngổn ngang khắp lều chợ.

+ Người chết như ngả rạ.

+ Sáng nào cũng thấy ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường.

+ Hai bên dãy phố úp súp tối om, người đói đi lại dật dờ như những bóng ma.

– Cảm giác: Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi, mùi gây của xác người, cùng tiếng quạ gào từng hồi thê thiết.

2.Tâm trạng của Tràng và người “vợ nhặt” được bộc lộ qua nhưng biểu hiện bên ngoài (ngôn ngữ, cử chỉ, điệu bộ,…) nào?

– Tâm trạng của Tràng:

+ Vẻ mặt phớn phở khác thường, tủm tỉm cười một mình, đôi mắt sáng lấp lánh.

+ Khi trẻ con chạy ra trêu đùa, Tràng nghiêm nét mặt, ra hiệu lắc đầu không bằng lòng, nhưng sau đó lại bật cười khi bị trêu.

– Tâm trạng của thị (người vợ nhặt):

+ Cắp cái thúng, đầu cúi thấp, cái nón rách che đi nửa mặt.

+ Điệu bộ rón rén, e thẹn.

+ Cảm thấy khó chịu khi bị trêu: nhíu lông mày, đưa tay xóc xóc tà áo.

3. Người dân trong xóm nghĩ và bàn luận gì khi thấy Tràng dẫn một người phụ nữ lạ về nhà?

– Họ hiểu được phần nào và thở dài.

– Có người hỏi: “Ai đây nhỉ?… Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên?”

– Một số dự đoán: “Hay là vợ anh cu Tràng? Ừ khéo mà vợ anh cu Tràng thật, trông chị ta thèn thẹn hay đáo để.”

– Nhiều người ái ngại, lo lắng cho tương lai của hai người: “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”

4. Những chi tiết nào thể hiện sự thay đổi trong tâm trạng của Trạng và người “vợ nhặt” khi về đến nhà?

– Tràng xăm xăm bước vào nhà, dọn dẹp niêu bát, quần áo bừa bộn, nhấc tấm phên rách sang một bên.

– Anh nhìn thị cười, đon đả mời ngồi.

– Tràng loanh quanh, hết chạy ra ngõ đứng ngóng lại vào sân nhìn trộm vào nhà.

– Anh nghĩ ngợi khi thấy thị buồn và tủm tỉm cười một mình, không ngờ rằng mình đã có vợ.

5. Chú ý ngôn ngữ và cách ứng xử của người phụ nữ trước khi theo Tràng về nhà

– Lần đầu: Thị cong cớn hỏi: “Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?” Sau đó vùng đứng dậy, cười tít và đẩy xe cho Tràng: “Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ.”

– Lần thứ hai: Thị sưng sỉa: “Điêu người thế mà điêu!”, “Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.” Khi được mời ăn, thị đáp: “Ăn thật nhá, sợ gì” và sà xuống ăn liền bốn bát bánh đúc, quệt đũa ngang miệng: “Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.”

=> Ngôn ngữ và thái độ của thị thể hiện sự chua chát, ghê gớm, cho thấy cái đói đã làm mất đi sự dịu dàng vốn có của người phụ nữ.

6. Việc Tràng chấp nhận hành động “theo về” của một người phụ nữ xa lạ thể hiện nét tính cách gì của nhân vật?

– Hành động của Tràng thể hiện sự dũng cảm, chấp nhận hoàn cảnh, khát khao hạnh phúc và lòng thương yêu người cùng cảnh ngộ, cho thấy Tràng là một người hiền lành, tốt bụng.

– Đồng thời, Tràng cũng thể hiện sự nghiêm túc, chu đáo khi quyết định lấy vợ, như việc đưa thị lên chợ tỉnh để mua đồ.

7. Chú ý hình thức lời văn được tác giả sử dụng để thể hiện tâm trạng bà cụ Tứ trong tình huống này

Tác giả sử dụng các câu hỏi độc thoại nội tâm để thể hiện tâm trạng ngạc nhiên và bối rối của bà cụ Tứ, như: “Quái, sao có người đàn bà nào ở trong nhà ấy nhỉ?”, “Người đàn bà nào đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia?”, “Sao lại chào mình bằng u?”, “Ai thế nhỉ?”

8. Tình cảm bà cụ Tứ dành cho người con dâu mới được thể hiện qua giọng điệu và từ ngữ nào?

– Bà cụ Tứ bày tỏ sự thương xót và cảm thông: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được.”

– Bà chấp nhận và mừng cho con: “Các con phải duyên phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng.”

– Bà quan tâm, lo lắng: “Nhà ta thì nghèo con ạ… về sau.” và “Con ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.”

– Bà nhìn người con dâu với lòng đầy thương xót: “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá.”

=> Bà cụ Tứ thể hiện tình thương, sự cảm thông và chấp nhận người con dâu mới bằng tình cảm chân thành và bao dung.

9. Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật nào?

Khung cảnh ngày mới được cảm nhận chủ yếu từ điểm nhìn của nhân vật Tràng. Anh nhận thấy sự thay đổi kỳ lạ trong ngôi nhà của mình, từ sân vườn, ang nước đến quần áo. Tràng nhận ra vai trò và vị trí quan trọng của người đàn bà trong gia đình, đồng thời cảm thấy mình trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, mẹ, vợ và cả những đứa con tương lai.

10. Chú ý những chi tiết miêu tả sự thay đổi của nhân vật bà cụ Tứ và người “vợ nhặt” trong buổi sáng đầu tiên sau khi Tràng nhặt được vợ

– Bà cụ Tứ có sự thay đổi rõ rệt, bà trở nên nhẹ nhõm và tươi tỉnh khác thường. Khuôn mặt vốn bủng beo, u ám của bà giờ đã rạng rỡ hơn hẳn. Bà còn thu dọn, quét tước nhà cửa, thể hiện sự chăm chút cho không gian sống.

– Người “vợ nhặt” cũng có sự thay đổi đáng chú ý. Thị trở nên hiền hậu và đúng mực hơn, không còn vẻ chao chát, chỏng lỏn như trước.

=> Những chi tiết miêu tả này cho thấy sự thay đổi tích cực trong cả hai nhân vật, phản ánh niềm hy vọng và sự gắn kết gia đình sau khi Tràng “nhặt” được vợ.

11. Chú ý vai trò của chi tiết nồi chè khoán

Chi tiết nồi chè khoán (cháo cám) mang ý nghĩa sâu sắc trong truyện. Nó gián tiếp tố cáo tội ác của thực dân phát xít, khi con người phải chịu đựng cuộc sống thê thảm, mong manh đến mức phải ăn cháo cám để sống sót. Dù đứng giữa ranh giới sống chết, chi tiết này còn thể hiện sự trân trọng của nhà văn Kim Lân đối với những giá trị tốt đẹp của con người, khi họ vẫn dành cho nhau tình cảm đáng quý.

=> Nồi chè khoán là chi tiết nhỏ nhưng mang vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cốt truyện và khắc họa sâu sắc tính cách các nhân vật, đặc biệt là phẩm chất nhân hậu giữa nghịch cảnh.

12. Tại sao bà cụ Tứ ngoảnh vội ra ngoài, “không dám để con dâu nhìn thấy mình khóc”?

Bà cụ Tứ ngoảnh vội ra ngoài và không dám để con dâu nhìn thấy mình khóc vì bà lo lắng cho tương lai của cả gia đình. Bà sợ cái đói, cái nghèo và những khó khăn đang bủa vây: “Trống thúc thuế đấy. Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống qua được đâu các con ạ…”. Những nỗi lo ấy khiến bà không muốn bộc lộ sự yếu đuối trước con dâu.

=> Hành động này phản ánh tâm trạng lo âu và tình thương của bà cụ Tứ dành cho con cái trong hoàn cảnh khốn khó.

13. Tràng có tâm trạng như thế nào khi nghe câu chuyện người “vợ nhặt” kể?

Khi nghe câu chuyện mà người “vợ nhặt” kể, Tràng rơi vào trạng thái suy tư, nghĩ ngợi nhiều. Anh nghĩ đến những người đi trên đê Sộp, hiểu được hành động của họ và cảm thấy có chút tiếc nuối, ân hận.

Tràng suy nghĩ về những người phá kho thóc Nhật, cảm thấy dự cảm về sự đổi đời. Khuôn mặt anh bặm lại, thần ra và trông khó đăm đăm, trong khi miếng cám trong miệng trở nên chát xít.

=> Những suy nghĩ này cho thấy Tràng đang bắt đầu ý thức rõ hơn về hoàn cảnh xung quanh và về sự thay đổi lớn lao sắp tới.

14. Hình ảnh “lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí của Tràng có ý nghĩa gì?

Hình ảnh “lá cờ đỏ” xuất hiện trong tâm trí Tràng mang ý nghĩa biểu tượng cho sự hiện diện của Cách mạng và Đảng, đến gần để cứu người dân khỏi cảnh nghèo đói, khổ đau. Lá cờ đỏ cũng đại diện cho niềm hy vọng và niềm tin vào một tương lai tươi sáng, không chỉ cho gia đình Tràng mà còn cho nhiều gia đình khác trong hoàn cảnh khó khăn thời bấy giờ.

* Sau khi đọc

Nội dung chính: Văn bản không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Gợi ý trả lời câu hỏi sau khi đọc:

Câu 1: Giữa nhan đề Vợ nhặt và nội dung câu chuyện có mối quan hệ với nhau như thế nào?

Nhan đề “Vợ nhặt” tóm gọn giá trị nội dung và tư tưởng của tác phẩm. Từ “nhặt” thường đi kèm với những thứ tầm thường, không có giá trị, thể hiện sự rẻ rúng của con người trong nạn đói, khi thân phận con người bị xem như rơm rác, có thể “nhặt” ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, “vợ” là sự trân trọng, người vợ giữ vị trí trung tâm trong việc xây dựng tổ ấm. Ở đây, Tràng không “hỏi vợ” hay “cưới vợ”, mà “nhặt vợ”, phản ánh sự khốn cùng của hoàn cảnh.

=> Nhan đề “Vợ nhặt” vừa thể hiện thảm cảnh người dân trong nạn đói năm 1945, vừa thể hiện khát vọng về sự cưu mang, đùm bọc, hướng tới cuộc sống, tổ ấm và niềm tin vào tương lai ngay trong hoàn cảnh khó khăn.

Câu 2: Xác định tình huống truyện và nêu ý nghĩa của nó

– Tình huống truyện: Tình huống của truyện thể hiện qua nhan đề “Vợ nhặt”, khi một anh nông dân nghèo khổ, xấu trai như Tràng, đang cận kề cái chết vì đói khát, lại “nhặt” được vợ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.

– Ý nghĩa:

+ Tình huống này bộc lộ sâu sắc tâm trạng và tính cách của các nhân vật, đồng thời gây ngạc nhiên cho cả xóm ngụ cư, mẹ của Tràng và ngay cả Tràng.

+ Qua đó, nhà văn thể hiện thái độ lên án tội ác của phát xít Nhật, thực dân Pháp và phong kiến tay sai, đồng thời xót xa trước nỗi khổ của người dân nghèo. Kim Lân trân trọng và tôn vinh phẩm chất tốt đẹp của họ: dù trong hoàn cảnh đói khát, tăm tối, họ vẫn thương yêu, cưu mang và đùm bọc lẫn nhau.

=> Tình huống truyện góp phần khắc họa hiện thực xã hội và vẻ đẹp con người trong nghịch cảnh

Câu 3: Câu chuyện trong Vợ nhặt được kể theo trình tự nào và có thể chia làm mấy phần?

– Câu chuyện trong “Vợ nhặt” được kể theo trình tự thời gian từ lúc Tràng “nhặt” được vợ cho đến khi đưa vợ về nhà.

– Bố cục câu chuyện: Có thể chia thành 4 phần:

+ Phần 1 (từ đầu … “tự đắc với mình”): Tràng đưa người vợ nhặt về nhà.

+ Phần 2 (tiếp … “đẩy xe bò”): Kể lại chuyện hai vợ chồng gặp nhau và trở thành vợ chồng.

+ Phần 3 (tiếp … “nước mắt chảy ròng ròng”): Tình thương của người mẹ nghèo khó dành cho các con.

+ Phần 4 (phần còn lại): Niềm tin và hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn.

Câu chuyện được kể theo trình tự thời gian và bố cục chặt chẽ, làm nổi bật các giai đoạn quan trọng của mạch truyện.

Câu 4: Theo trình tự của câu chuyện, các nhân vật đã có những thay đổi như thế nào từ diện mạo, tâm trạng đến cách ứng xử?

Nhân vật Tràng

– Trước khi nhặt vợ: nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, sống với một người mẹ già nua. Không ai nghĩ rằng Tràng có thể có được vợ.

– Sau khi nhặt vợ: Tràng như đổi khác. Hắn cười rất nhiều, có những cảm giác mới mẻ, trỗi dậy tình nghĩa khi đi bên vợ, nhận thấy những nét u buồn và sự thay đổi ở vợ mình, muốn sống cho nên người để lo cho gia đình. Tràng hình dung lá cờ đỏ sao vàng và đoàn người đi trên đê như một biểu tượng của sự đổi đời…

Nhân vật người “vợ nhặt”

– Trước khi liều lĩnh đi theo Tràng: tình cảnh người đàn bà này rất thê thảm, đói khát ê chề, không có việc gì làm cũng như không biết bám vào đâu để sống; ăn nói thì chao chát, chỏng lỏn, thái độ thì sừng sộ, chẳng kể gì đến thể diện, phẩm giá; gạ ăn một cách trơ trẽn, được mời ăn thì ăn uống rất tham, rất thô. Trước lời bông lơn của một người đàn ông chưa hề quen biết, chị ta lập tức bám theo, liều lĩnh đến mức đáng sợ.

– Từ khi cất bước theo Tràng: chị ta như trở thành một con người khác. Đi với Tràng mà bước chân có vẻ rón rén, ngượng nghịu, e thẹn, ít lời, ngại ngùng trước ánh mắt tò mò của những người xa lạ. Khi đã ở nhà Tràng, chị càng bối rối, bần thần nghĩ ngợi. Dẫu vẫn còn cảm giác xa lạ, nhưng chị có những lời nói, cử chỉ biểu hiện thiên chức làm vợ; cùng mẹ chồng quét tước, dọn dẹp cửa nhà, vườn tược, vun đắp cho tổ ấm của mình.

Nhân vật bà cụ Tứ

– Trước khi Tràng có vợ: “lọng khọng đi vào ngõ, vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”, khuôn mặt thì bủng beo u ám như vỏ quả chanh. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà nghĩ đến cuộc đời khổ cực dằng dặc của mình.

– Khi biết Tràng có vợ: ngạc nhiên khi thấy người đàn bà lạ, càng ngạc nhiên hơn khi người đàn bà đó chào bằng u. Tâm trạng vừa đau đớn, tủi cực, xót xa xen lẫn vui mừng

– Sau khi Tràng có vợ: Khuôn mặt rạng rỡ hẳn lên, cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa, dặn dò các con và có niềm tin vào tương lai, dự cảm đổi đời.

Câu 5: Phân tích những nét đáng chú ý trong cách người kể chuyện quan sát và miêu tả sự thay đổi các nhân vật (thể hiện ở các khía cạnh: điểm nhìn, lời kể và giọng điệu)

– Điểm nhìn: Ban đầu, Kim Lân miêu tả nhân vật từ điểm nhìn bên ngoài, giúp người đọc hình dung về ngoại hình và hoàn cảnh sống của họ. Sau đó, tác giả chuyển sang điểm nhìn bên trong để khám phá suy nghĩ và cảm nhận của nhân vật. Ví dụ, Tràng được giới thiệu qua ngoại hình, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, rồi dần dần được miêu tả qua tâm trạng và suy nghĩ khi có vợ.

– Lời kể: Lời kể của người kể chuyện và lời của nhân vật có sự kết nối, cộng hưởng. Điều này tạo nên những hiện tượng đặc biệt trong văn bản như: lời kể tái hiện ý thức và giọng điệu của nhân vật, lời độc thoại nội tâm (ví dụ: “Quái sao nó lại buồn thế nhỉ?”) và lời nhại (ví dụ: “có khối cơm trắng mấy giò đấy”).

– Giọng điệu: Giọng điệu kể chuyện mộc mạc, giản dị, ngôn ngữ gần gũi với khẩu ngữ nhưng được chắt lọc kỹ lưỡng, giàu tính gợi hình. Ví dụ, các từ ngữ như “ngật ngưỡng”, “phớn phở”, “úp súp, dật dờ” góp phần tạo nên phong vị riêng, cuốn hút người đọc.

Câu 6: Có thể xem truyện ngắn Vợ nhặt là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói hay không? Nêu và phân tích quan điểm của bạn về điều này

– Truyện ngắn “Vợ nhặt” có thể được xem là một câu chuyện cổ tích trong nạn đói bởi vì câu chuyện chứa đựng những yếu tố giống với motip truyện cổ tích, đặc biệt là đám cưới của Tràng và Thị có thể được xem như một “đám cưới cổ tích”.

+ Trong bối cảnh khốn khó của nạn đói năm 1945, khi ngay cả việc tự lo cho bản thân còn khó khăn, thì tình thương giữa con người với nhau vẫn tỏa sáng. Tràng và bà cụ Tứ sẵn sàng cưu mang Thị – một người phụ nữ “nhặt” về làm vợ. Thị cũng chấp nhận theo Tràng, bất chấp điều kiện sống khó khăn. Điều này cho thấy khát vọng hạnh phúc gia đình lớn lao hơn những nhu cầu vật chất thông thường trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

+ Truyện còn kết thúc bằng một chi tiết “sáng” mở ra hi vọng cho các nhân vật, khi hình ảnh phá kho thóc Nhật và lá cờ đỏ sao vàng tung bay, biểu trưng cho một tương lai mới đầy hứa hẹn cho họ.

Câu 7: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bạn về một thông điệp có ý nghĩa với bản thân được rút ra từ truyện ngắn Vợ nhặt

Mẫu 1:

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, thông điệp ý nghĩa nhất đối với tôi chính là sức mạnh của tình người và khát vọng sống mãnh liệt ngay trong hoàn cảnh khốn cùng. Giữa nạn đói khủng khiếp năm 1945, khi cái chết luôn rình rập, những người dân như Tràng, bà cụ Tứ và Thị vẫn không từ bỏ niềm tin vào cuộc sống. Họ không chỉ đấu tranh sinh tồn, mà còn khao khát xây dựng hạnh phúc gia đình, thể hiện qua việc Tràng “nhặt” vợ về và sự đồng cảm của bà cụ Tứ khi chấp nhận thêm một người vào nhà giữa lúc khó khăn. Điều này nhắc nhở tôi rằng, dù cuộc sống có gian khổ đến đâu, sự đùm bọc, yêu thương và khát vọng sống luôn là ngọn đèn soi sáng con đường phía trước. Đây là một bài học quý giá về sự kiên cường và lòng nhân ái trong những tình cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc đời.

Mẫu 2:

Truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân là một bài học về tình yêu thương giữa người với người đối với mỗi chúng ta. Tình yêu thương có vô vàn hình trạng, nó như một viên đá ngũ sắc lung linh. Tuy nó vô hình nhưng lại hữu hình, luôn xuất hiện vào cuộc sống hằng ngày. Tình yêu thương giống như một chiếc túi khổng lồ mà nhân loại không định nghĩa được. Nó trừu tượng đến mức khó hiểu. Nhìn đứa trẻ mồ côi nằm ở hàng ghế đá, nhìn cụ già đang mon men đi xin ăn, nhìn người dân miền trung đang chịu những cơn bão, người thì bị chết, gia đình li tán, của cải mất mát…..chúng ta cảm thấy sao xót xa, sao đau lòng quá. Tình yêu thương chính là sự lo lắng cho người với người, dù chưa từng gặp mặt, dù chị là sự lướt quá, nhưng trái tim con người là thế, tình yêu thương là vô tận. Và rồi, vì yêu vì thương chúng ta sẵn sàng giúp đỡ, bỏ tâm huyết chăm lo xây dựng các nhà tình thương tình nghĩa, để bao bọc các em nhỏ mồ côi, để cho các cụ già neo đơn có một mái nhà, để những người tàn tật, những trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo có thể được chữa trị,… Dù là âm thầm giúp đỡ, hay công khai giúp đỡ, họ đều không cần mọi người biết đến, không cần mọi người tuyên dương, ghi danh. Chỉ cần nơi nào có tình yêu thương, nơi ấy thật ấm áp, và hạnh phúc.

Mẫu 3:

Được chắp bút bởi tài năng xuất chúng và tinh thần nhân đạo của Kim Lân, “Vợ nhặt” đem đến cho người đọc rất nhiều bài học sâu sắc. Trong đó, thông điệp nổi bật nhất cho thấy tinh thần mới mẻ, hiện đại của tác phẩm chính là thông điệp về tình đoàn kết, sức mạnh giai cấp. Điều này được thể hiện ở phần cuối của tác phẩm. Tràng, thị và bà cụ Tứ đều là những người nông dân lương thiện, giàu lòng nhân hậu, có niềm tin vào tương lai. Dù bị nạn đói hành hạ, họ vẫn lấp lánh hy vọng, tìm mọi cách để sống sót. Thế nhưng, để con người có thể thực sự tự do, hạnh phúc thì không thể chỉ dựa vào sức mạnh của cá nhân. Hình ảnh đám người đói chạy trên đê với lá cờ đỏ bay phấp phới là biểu tượng của sự vùng dậy mạnh mẽ, tinh thần đoàn kết của tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tràng bỗng thấy hối hận vì những ngày mình đẩy xe thóc thuê cho bọn Nhật mà không biết quan tâm đến đời sống xung quanh. Có biết bao tác phẩm viết về người nông dân, ca ngợi vẻ đẹp ở họ nhưng chưa chỉ ra được con đường đấu tranh để giải phóng họ. “Vợ nhặt” đã làm được điều ấy. Người nông dân của Kim Lân không bi lụy, cùng đường mà ngời sáng niềm tin. Đây chính là thông điệp lớn nhất của tác phẩm.

Mẫu 4:

Qua truyện “Vợ nhặt”, tác giả Kim Lân còn cho ta thấy được trong hoạn nạn, con người lao động càng yêu thương nhau hơn dù trong cảnh khó khăn, khốn cùng, họ vẫn giữ được phẩm chất đẹp đẽ “đói cho sách rách cho thơm”. Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim – một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu phong thuỷ” ấy. Ngay sau Cách mạng, ông đã bắt tay ngay vào viết tác phẩm Xóm ngụ cư khi hoà bình lặp lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy.Cuộc sống khắc nghiệt đọa đày con người bắt họ phải sống cuộc sống của loài vật, nhưng nó không thể dập tắt được phần người, rất người trong lòng bà mẹ khốn khổ kia. Dường như ba mẹ con Tràng đã tìm thấy được niềm vui ẩn giấu trong sự nương tựa , cưu mang nhau mà sống. Tình vợ chồng, mẹ con sẽ là động lực giúp họ sức mạnh vượt qua cơn hoạn nạn khủng khiếp này. Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và bà cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà nhà văn Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một đề tài không mới. Tác phẩm “Vợ nhặt” đã thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khả năng dựng truyện và dẫn truyện của Kim Lân – một nhà văn được đánh giá là viết ít nhưng tác phẩm nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.

Mẫu 5:

Kim Lân còn gửi vào những trang văn của mình tấm lòng nhân đạo thiết tha. Mỗi câu chữ của nhà văn thể hiện đều thấm đượm lòng thương cảm của nhà văn đối với số phận bi thảm của con người. Mỗi một nhân vật mà tác giả xây dựng đều cho thấy được niềm xót thương, cảm thông với cuộc đời con người trong nạn đói ấy. Có nhiều lúc người đọc có thể cảm nhận được như tác giả nhập thân và chính nhân vật để chia sẻ và cảm thông với cuộc sống của họ. Có những câu văn khi đọc lên còn thấy tác giả dường như rưng rưng xúc động. Chẳng hạn khi miêu tả tâm trạng của các thành viên trong bữa cơm ngày đói, Kim Lân miêu tả: “Một nỗi tủi hờn len vào tâm trí của mỗi người”. Bên cạnh đó, nhà văn còn phát hiện, trân trọng và ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của con người trong nạn đói năm 45 ấy. Mặc dù cái đói, cái nghèo truy đuổi ráo riết như vậy nhưng ở họ vẫn sáng lên tư chất của những con người có vẻ đẹp tâm hồn. Ở bà cụ Tứ là lòng yêu thương con sâu sắc, lòng nhân ái và đức hi sinh cao cả. Ở nhân vật Tràng để lại cho người đọc bởi vẻ chất phác, hiền lành, thật thà. Còn ở người phụ nữ làm “vợ nhặt” kia lại là sự đảm đang, biết điều và hiền hậu. Đặc biệt người làng xóm ngụ cư hiện lên là những người đầy tình nghĩa làng xóm, họ quan tâm và động viên Tràng. Để có thể thấy rằng, bức tranh tối mịt ngày đói ấy vẫn le lói thứ ánh sáng của tình người. Chấp nhận trong hoàn cảnh “một sống hai chết” ấy nhưng con người vẫn không đầu hàng số phận.

Danh sách câu hỏi

Xin chào các bạn học sinh tại Vuatracnghiem.vn !

Chúng tôi luôn nỗ lực để mang đến cho các bạn những nội dung chất lượng và hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển trang web đôi khi sẽ có một số quảng cáo xuất hiện và chúng tôi hiểu điều này có thể gây phiền toái. Mong các bạn thông cảm, vì điều này giúp chúng tôi có thêm kinh phí và động lực để tiếp tục phục vụ các bạn tốt hơn. Cảm ơn sự ủng hộ của các bạn!

Tôi đồng ý
Tắt Quảng Cáo